Xã hội trí tuệ nhân tạo – Cơ hội và thách thức
100 năm đã qua kể từ ngày chiếc TV đầu tiên ra đời. Sau 100 năm, hình ảnh của màn hình đen trắng ngày nào đã được phát triển thành công nghệ hình ảnh có độ nét cực cao (4K, 8K) với gần chục triệu điểm ảnh trên một màn hình. Gương mặt của chúng ta có thể được chụp sắc nét với độ phân giải cực cao từ một ống kính vệ tinh ngoài Trái Đất. Sau 100 năm, không khoảng cách nào thực sự tồn tại dưới "phép màu" của công nghệ.
Không dừng lại ở khoảng cách, công nghệ cho phép con người "thổi hồn" cho vạn vật. Robot ngày nay không chỉ có khả năng thực hiện chính xác mệnh lệnh của con người thông qua câu lệnh. Nhờ khả năng phân tích giọng nói, nhịp tim, sự co giãn của đồng tử mắt, một thiết bị công nghệ giờ đã có khả năng hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của người đối diện với độ chính xác cao và có thể tương tác qua lại. Robot Sophia thậm chí đã được Chính phủ Saudi Arabia công nhận quyền công dân năm 2017. Chúng ta đang tiến đến một xã hội mà ở đó giao thông vận hành nhờ các phương tiện không người lái, các giải pháp phân luồng giao thông tự động không cần con người, đảm bảo tính chính xác và tuân thủ gần như tuyệt đối. Có vô vàn những ứng dụng đáng ngưỡng mộ mà cuộc cách mạng số 4.0 đã, đang và sẽ ra đời làm thay đổi toàn bộ xã hội chúng ta.
Nhưng quan trọng hơn cả, điều làm nên tính duy nhất và siêu việt của trí tuệ nhân tạo là "tính con người". Trí tuệ nhân tạo được thừa hưởng một đặc điểm vô cùng quý giá - đó là khả năng tư duy và tiến bộ giống như con người.
Trí tuệ nhân tạo có khả năng "tự học" dựa trên việc mô phỏng lại những hành vi, quyết định của con người. Việc mô phỏng này không chỉ là lặp lại y nguyên mà còn có sự tiến bộ. Tiến bộ ở chỗ trí tuệ nhân tạo có thể chọn lọc được những hành vi, lựa chọn nào có khả năng đem lại kết quả kỳ vọng. Để có thể hoàn tất quá trình tự học này, trí tuệ nhân tạo cần được cung cấp một dữ liệu đủ lớn và liên tục về hành vi, quyết định của con người.
Ví dụ đơn giản: Khi bạn dành nhiều sự chú ý và tương tác (như like, comment) cho các thông tin chính trị trên mạng xã hội, bạn sẽ nhận được nhiều gợi ý hoặc ngày càng đọc được nhiều bài đăng liên quan đến chủ đề chính trị. Đó là kết quả của quá trình mạng xã hội "học tập" thói quen của chúng ta, tiến hành "đánh giá" sở thích của ta và ra quyết định ưu tiên đẩy lên những nội dung mà chúng ta thích.
Dữ liệu của người dùng, từ đây, trở thành tài sản mà bất cứ tổ chức nào cũng mong muốn. Ai nắm giữ dữ liệu, người đó nắm giữ khả năng thấu hiểu đám đông hay thậm chí chi phối đám đông.
Thông tin sau đây không mới nhưng chắc chắn vẫn đủ sức làm nhiều người ngỡ ngàng:
- Thông qua phân tích 10 likes chúng ta click trên Facebook, Facebook có khả năng hiểu về chúng ta chính xác hơn một đồng nghiệp.
- Thông qua 70 likes, Facebook đánh giá sở thích, phong cách của ta chính xác hơn một người bạn cùng phòng.
- Với 150 likes, Facebook đưa ra phân tích về con người chúng ta chính xác hơn một thành viên trong gia đình.
- Và với 300 likes trở lên, Facebook hiểu chúng ta hơn cả người bạn đời (vợ/chồng) của mình.
[Đại học Standford và Trung tâm Tâm lý học của Đại học Cambridge]
Chúng ta để lại bao nhiêu tương tác trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác chính là để lại bấy nhiêu dữ liệu cho quá trình "tự học" của trí tuệ nhân tạo. Giá trị mà chúng ta theo đuổi - hướng thiện hay bạo lực, yêu thương hay thù hận, gắn kết hay chia rẽ - chính là những bài học chúng ta trao cho trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo mô phỏng chính chúng ta, chính xã hội loài người theo cách chân thực nhất. Xã hội trí tuệ nhân tạo trong tương lai sẽ ra sao - xấu xa hay lương thiện, là hiểm họa hay vận may cho loài người - hoàn toàn do giá trị của xã hội chúng ta ngày hôm nay quyết định.
Thách thức rõ ràng không nằm ở sự ưu việt của trí tuệ nhân tạo. Thách thức nằm ở những giá trị mà con người đang truyền đạt cho trí tuệ nhân tạo. Một xã hội "xấu xí" với đầy rẫy những quyết định cùng tư duy ích kỷ, bạo lực, không lành mạnh thì không thể để lại những dữ liệu tích cực cho trí tuệ nhân tạo. Thêm vào đó, khuôn khổ chính trị, luật pháp hiện nay chưa được chuẩn bị để quản trị xã hội với sự hiện diện của một nhân tố quá mới như trí tuệ nhân tạo.
Nhiều trường hợp, các quốc gia và cả những tổ chức quốc tế lớn nhất như Liên Hợp Quốc cũng rơi vào thế bị động khi ứng phó với các sự cố liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Một ví dụ điển hình nhất là tin tức giả mạo. Thông qua những nền tảng có ứng dụng trí thông minh nhân tạo, tin giả đã thâm nhập vào cả những kênh truyền thông uy tín nhất, làm ảnh hưởng đến những sự kiện có tầm quan trọng sống còn của quốc gia và thế giới. Niềm tin trong xã hội trí tuệ nhân tạo ngày nay bị xói mòn nghiêm trọng bởi những thách thức đó.
Để quản trị và phát triển xã hội trí tuệ nhân tạo cần phải thiết lập cơ chế quản trị toàn cầu đối với trí tuệ nhân tạo. Sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo không chịu giới hạn bởi biên giới, do vậy, một cơ chế quản trị hiệu quả cần sự chung tay, đóng góp của cộng đồng các quốc gia. Xu hướng tự cô lập, chia rẽ sẽ khiến chúng ta yếu ớt hơn trước những nguy cơ đồng thời không thể tạo dựng và bảo vệ được hệ giá trị có ý nghĩa để cùng phát triển với trí tuệ nhân tạo. Chỉ bằng cách đồng hành cùng nhau, chúng ta mới tạo điều kiện cho những kiến thức, tư duy và hành vi tích cực phát triển. Đây sẽ là "dinh dưỡng" có lợi cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, hướng đến một xã hội trí tuệ nhân tạo thực sự cho con người, vì con người.
Thế giới đã quan tâm đến chủ đề này từ nhiều năm trước đây. Tháng 09/2018, Đại học Liên Hợp Quốc (UNU) thậm chí đã phát hành cuốn "Chiến lược của Tổng Thư ký về Công nghệ mới". Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách tại UNU cũng đã công bố nghiên cứu "Nền tảng Quản trị AI và Toàn cầu", khẳng định quan điểm: Cần tạo ra một không gian "tất cả trong một" (không loại trừ ai) để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà lãnh đạo các doanh nghiệp cùng khám phá, tìm giải pháp quản trị xã hội thời kỳ trí tuệ nhân tạo.
Quản trị xã hội trí tuệ nhân tạo cũng là chủ đề của Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới - Club de Madrid - năm nay được tổ chức tại Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Diễn đàn quy tụ 102 cựu nguyên thủ của 60 quốc gia trên toàn thế giới cùng hàng trăm học giả và doanh nhân tên tuổi toàn cầu. Tại đây, các đại biểu đã bàn bạc và thống nhất một thoả thuận chung mang tên "Xã hội trí tuệ nhân tạo toàn cầu 2020" (AI World Society 2020) nhằm thích ứng với những thay đổi trong kỷ nguyên số. Thỏa thuận nhấn mạnh vai trò của chính phủ và các thực thể tư nhân trong việc hợp tác, sát cánh tạo ra một trường số hoá minh bạch, đảm bảo lợi ích của cộng đồng, bảo vệ an toàn cho các cá nhân, tổ chức cũng như thông tin của họ trong kỷ nguyên số. Diễn đàn toàn cầu Boston, Viện Nghiên cứu Michael Dukakis và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trở thành ba đơn vị đồng hành trong thoả thuận này với mục tiêu liên kết các nhà khoa học và giới nghiên cứu trên toàn thế giới để kiến tạo sự bền vững, ổn định cho xã hội trí tuệ nhân tạo.
Cảm ơn BMA E-Commerce! - Internet