You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.
Chuyển đổi số
3435 lượt xem

Vòng đời cạnh tranh và công cụ danh mục cho chuyển đổi số

Vòng đời cạnh tranh và công cụ danh mục cho chuyển đổi số

Chuyển đổi số nghe có vẻ đáng sợ? Tin tốt là các đơn vị tư vấn thường quan sát và tổng hợp lại thành các mô hình mà chúng ta thấy quen thuộc. Ở đây, các quy luật về cách thức và tác động của các đột phá kỹ thuật số được BCG xếp vào mô hình gọi là vòng đời cạnh tranh (Competitive Life Cycle). Nó khá giống với vòng đời sản phẩm nhưng là góc nhìn ở cấp độ ngành. Đây là công cụ khá hữu ích trong Phân tích môi trường kinh doanh (Environmental Analysis).

Với ngành

Vòng đời cạnh tranh (Competitive Life Cycle). Nguồn: BCGVòng đời cạnh tranh (Competitive Life Cycle). Nguồn: BCG

Quan sát đầu tiên với vòng đời cạnh tranh là một đường cong hình chữ S nằm ngang, đề cập đến mô hình phổ biến trong doanh số hay thu nhập theo thời gian. Ban đầu, khi công nghệ hay ngành mới ra đời, mọi người cần tìm hiểu về nó. Sau đó, hy vọng có thể có trái ngọt khi công nghệ cất cánh và đó là phần dốc giữa của chữ S. Và cuối cùng, chữ S bắt đầu cong ra khi ngành khai thác thị trường và đạt mức doanh thu bền vững. Vì vậy, về tích lũy doanh thu, ta sẽ thấy đường cong này theo thời gian.

Chúng ta có thể chia đường cong S này thành các pha. Giai đoạn đầu tiên khi mọi người vẫn đang học về công nghệ và chưa phổ biến rộng rãi, gọi là Giai đoạn Mới nổi (Emergent phase). Đôi khi, giai đoạn mới nổi có thể mất hàng thập kỷ, như xe điện trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp ô tô, hoặc xảy ra tương đối nhanh khi một công nghệ hay xuất hiện. Giai đoạn thứ hai là Giai đoạn Tăng trưởng (Growth Phase) ngọt ngào, đem lại nhiều doanh thu. Và cuối cùng là Giai đoạn Chín muồi (Mature Phase), tăng trưởng bắt đầu giảm, chúng ta đạt mức bán hàng ổn định hơn và mức tăng trưởng thấp hơn trong ngành.

Với doanh nghiệp

Vòng đời cạnh tranh (Competitive Life Cycle). Nguồn: BCGVòng đời cạnh tranh (Competitive Life Cycle). Nguồn: BCG

Chúng ta có thể chia ra thành 3 giai đoạn khác nhau của công nghệ: Ấp ủ (Annealing), Xáo động (Shakeout) và Đột phá (Disruption). Giai đoạn Ấp ủ là giai đoạn mà các công nghệ dạng ý tưởng được tìm hiểu, thử nghiệm cho tới khi có sự kết hợp của thứ mà chúng ta gọi là thiết kế chủ đạo (dominant design) của công nghệ đó. Về cơ bản, là tìm hiểu xem công nghệ sẽ như thế nào trong tương lai. Giai đoạn Xáo động (Shakeout) nói về điều xảy ra với số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành. Để dễ hình dung, ta thấy khi công nghệ còn mới, một vài doanh nhân hay doanh nghiệp dũng cảm thử nghiệm. Khi thị trường bắt đầu phát triển và cất cánh, nhiều đơn vị khác tham gia khi nhìn thấy cơ hội thị trường. Ta thường thấy sự cạnh tranh gay gắt, rất nhiều người chơi, và sự xáo trộn xảy ra, khi các doanh nghiệp rút lui, hoặc sáp nhập và mua lại với nhau. Sự xáo trộn này có thể khá nghiêm trọng cho tới khi chỉ còn một (thị trường chỉ dành cho người chiến thắng) hoặc một vài đối thủ.

Hãy dừng lại một chút và nghĩ xem: Kết quả cạnh tranh với ngành của anh chị, hoặc ngành mình định tham gia là gì?

Ở Việt Nam mình hay thấy thứ gọi là "kiềng 3 chân", hầu như các ngành đều có tốp 3 chiếm đa số thị trường, hoặc 1 với các ngành độc quyền (điện, nước, v.v.) Thị trường mà anh chị đang/ đã/ sắp tham gia thì sao?

Với lợi nhuận

Vòng đời cạnh tranh (Competitive Life Cycle). Nguồn: BCGVòng đời cạnh tranh (Competitive Life Cycle). Nguồn: BCG

Cuối cùng, hãy xem xét tác động tới lợi nhuận (margins). Đây là điều đáng sợ với nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Trong nhiều ngành, giai đoạn ban đầu lợi nhuận âm, với hi vọng khi ngành phát triển, lợi nhuận sẽ được cải thiện. Khi cạnh tranh gia tăng, lợi nhuận lại bị nén lại. Câu hỏi là về cuối, lợi nhuận sẽ ra sao là một câu hỏi mở và có nhiều yếu tố tác động.

Với công nghệ số (và IT)

Gartner cũng có một mô hình tương tự phân tích về các công nghệ trong từng ngành hoặc mảng, xem nó đang nằm ở đâu, là Hype Cycle, chia thành 5 giai đoạn, cập nhật định kỳ, được đánh giá là rất hữu ích cho các anh chị trong việc quyết định lựa chọn đầu tư công nghệ nào, khi nào, với chiến lược nào (VD: đi đầu về công nghệ hay chi phí tối ưu)...

Hype Cycle của Gartner - Nguồn: internetHype Cycle của Gartner - Nguồn: internet

Ví dụ

Ngành ô tô 1895-1975. Nguồn: BCGNgành ô tô 1895-1975. Nguồn: BCG

Vào cuối thế kỷ 19 xe hơi bắt đầu như một ngành công nghiệp cất cánh và chúng ta thấy lượng xe rất lớn từ hàng trăm đối thủ cạnh tranh khác nhau. Sau đó, trong khoảng 20 năm, sự cạnh tranh này dẫn đến một sự xáo trộn tại Mỹ và xuất hiện thứ chúng ta gọi là Big 3 (ba ông lớn) là General Motors, Ford và Chrysler. Cấu trúc này cũng khá giống với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu trong các ngành khác nhau như bia, viễn thông, v.v.

Trong mấy năm gần đây nhiều ngân hàng Việt Nam thực hiện mua bán, sáp nhập với nhau. Liệu có phải tín hiệu cho giai đoạn xáo trộn? Từ khoảng 35-40 ngân hàng nội sẽ còn khoảng bao nhiêu người chơi còn lại trên thị trường tài chính?

Về viễn thông, Viettel nổi lên dẫn đầu sau khi vượt mặt Vinaphone (của VNPT) và Mobifone (đã tách ra khỏi VNPT). Chiến lược của Viettel là lấy nông thôn bao vây thành thị, và chi phí rất cạnh tranh. Liệu thị trường đã "xác định" hay còn có đất diễn cho các nhà mạng khác như Vietnamobile? Hay sẽ có một thế cờ mới, thị trường mới?

Danh mục sản phẩm hay mảng kinh doanh

Do tầm quan trọng của vòng đời cạnh tranh trong việc hiểu và quản trị hành trình chuyển đổi số, chúng ta hãy cùng nghiên cứu công cụ giúp lập bản đồ chu kỳ cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình. Công cụ này được ông Michael Lenox, Strategy Professor/ Giáo sư chiến lược, trường UVA Darden, đề cập trong cuốn sách "Bộ công cụ của nhà chiến lược" (The Strategist's Toolkit). Sơ đồ nhỏ sau đây còn được gọi là "Portfolio View" (góc nhìn danh mục sản phẩm), đem lại một cách suy nghĩ, định vị các mảng kinh doanh/ sản phẩm khác nhau trong vòng đời cạnh tranh.

Chiến lược quản trị danh mục. Nguồn ảnh: Michael Lenox, Strategy Professor, UVA Darden Chiến lược quản trị danh mục. Nguồn ảnh: Michael Lenox, Strategy Professor, UVA Darden

Thay vì đặt một loạt đồ thị, chúng ta sẽ thể hiện một vòng tròn. Thực tế, chúng ta thường thấy sự đổi mới và quá trình bắt đầu lại khi các công nghệ và đột phá xâm nhập thị trường. Chúng ta thấy ba giai đoạn: giai đoạn mới nổi, giai đoạn tăng trưởng, giai đoạn trưởng thành, cũng như các điểm chuyển tiếp quen thuộc: ấp ủ, xáo trộn và đột phá. Chúng ta cần thực sự quan tâm xem quá trình này diễn ra nhanh chóng thế nào. Vòng đời cạnh tranh trong ngành cụ thể của ta nhanh đến mức nào?

Hãy sử dụng ví dụ với Apple vào năm 2011, khi họ vừa đưa ra thị trường iPad. Chúng ta có thể xếp iPad trong giai đoạn mới nổi (Emergent phase). Có lẽ lúc đó chúng ta vẫn đang tìm kiếm chính xác thiết kế chủ đạo xem nó sẽ trông thế nào. iPhone đã có từ vài năm trước và có thể nói đang trong giai đoạn tăng trưởng. Chúng ta đã có thể thống nhất với nhau điện thoại thông minh là như thế nào, và thị trường smart phone cũng đang tăng trưởng mạnh. iPod đang bước vào giai đoạn trưởng thành hơn vào thời điểm này. Xáo trộn xảy ra, Apple là người chơi thống trị về iPod nhưng tăng trưởng đã bắt đầu giảm. Trưởng thành hơn nữa là Mac, một sản phẩm đã tồn tại hàng thập kỷ và được cho là đã kết thúc chu kỳ sống của nó. Giờ đây chúng ta có thể chỉ rõ bốn mảng kinh doanh/ sản phẩm này tại một thời điểm bất kỳ đang nằm ở đâu?

Về quản trị công nghệ số nội tại, ta có thể tham khảo phương pháp IT Market Clock của Gartner.

Gartner IT market clock. Nguồn: GartnerGartner IT market clock. Nguồn: Gartner

Đầu tiên, mỗi giai đoạn này diễn ra trong bao lâu? Chúng ta có thể hy vọng giai đoạn trưởng thành sẽ kéo dài hàng thập kỷ hay chỉ có thể giữ được vài năm? Giai đoạn mới nổi kéo dài bao lâu? iPad sẽ là thứ mất thời gian để chứng minh hay sẽ tương đối nhanh? Với từng giai đoạn, chúng ta sẽ có thể hỏi, đây có phải là một ngành phát triển chậm, hay tương đối ổn định trong nhiều thập kỷ hay không? Có thể đó là một ngành năng động cứ mỗi 18-24 tháng lại có đột phá trong thị trường? Chúng ta cũng băn khoăn về tác động mạnh/ yêu của mỗi chuyển đổi. Các đột phá có tính cải tiến hay bất ngờ? Khi nghĩ về quá trình ấp ủ, chúng ta có tưởng tượng ra một thiết kế chủ đạo duy nhất hay sẽ có nhiều thiết kế cạnh tranh cùng tồn tại trên thị trường? Với sự xáo trộn, đây có phải là một thị trường ổn định không? Sẽ là ngành chỉ một người chiến thắng duy nhất, một dạng độc quyền hay bán độc quyền, hay thế kiềng ba chân hoặc nhiều đối thủ cạnh tranh hơn? Từ đó, ta có thể nghĩ nếu có thể có lợi thế khi là người đi đầu? Thời gian có quan trọng không? Ta nên chờ đợi và kiên nhẫn và có cơ hội thứ hai không? Một lần nữa, khi chúng ta sử dụng vòng đời cạnh tranh và công cụ này, ta sẽ hiểu rõ và có thể tạo ra một danh mục đầu tư với các sản phẩm khác nhau trên thị trường. Nếu đưa Apple từ năm 2011 và chuyển tới năm 2018, ta sẽ thấy gì? Hầu hết các công nghệ này bây giờ sẽ chuyển sang giai đoạn trưởng thành. Điều đó có nghĩa là những đột biến mới có thể xảy ra, và bài toán cho Apple là cần/ có thể đầu tư vào công nghệ nào tiếp theo để đột phá thị trường.

Nguồn chuyendoi.so

Cảm ơn BMA E-Commerce!

Bài viết khác
Lợi ích của Phòng IT thuê ngoài?
Lợi ích của Phòng IT thuê ngoài?

Phòng IT thuê ngoài, hay còn gọi là dịch vụ IT dựa trên mô hình outsource, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, nhất là đối với những công ty không chuyên về công nghệ thông tin. ...